Sau sốt xuất huyết có người hồi phục hoàn toàn nhưng lại có một số trường hợp trở nặng bất ngờ, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó chúng ta không nên chủ quan khi thấy bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
1/ Các tình trạng của bệnh
Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết không phải đều xảy ra ở tất cả các trường hợp. Tức là có những triệu chứng mà người này gặp nhưng người khác lại không. Dưới đây là một số triệu chứng nhẹ của sốt xuất huyết.
- Sốt: Người bệnh sốt cao đột ngột, thường trên 39 độ C, kéo dài từ 2 đến 7 ngày, thân nhiệt có thể hạ dần vào ngày thứ 3 hoặc 4.
- Đau đầu, nhất là trong hai hốc mắt.
- Da phát ban đỏ (nốt xuất huyết dưới da).
- Ăn bị nhạt miệng, có thể buồn nôn.

Bệnh tình ở mức độ nhẹ hay gặp ở người trưởng thành, ít biến chứng. Nhưng không nên chủ quan vì bệnh hoàn toàn có thể trở nặng bất ngờ. Nguyên nhân là do bị sốc và suy đa cơ quan do xuất huyết nặng, nhất là ở trẻ nhỏ.
Triệu chứng sốt xuất huyết nặng:
- Xuất huyết ở nhiều nơi trong cơ thể như dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, thậm chí có thể nôn ra máu tươi, đi ngoài phân đen lẫn máu (xuất huyết trong ruột).
- Nôn mửa nhiều lần (trên 4 lần trong vòng 2 giờ).
- Cả người mệt mỏi, nằm li bì.
- Đau bụng, nhất là ở vùng gan.
2/ Làm gì khi bệnh trở nặng?
Khi bệnh mới khởi phát, các triệu chứng ban đầu như sốt cao rét run ở trẻ em dễ bị lầm tưởng là các bệnh sốt thông thường, điều là cực kỳ sai lầm và có thể không được chăm sóc đúng cách dẫn đến những biến chứng nặng hơn.

Bệnh nhân ở mức độ nặng cần được nhập viện ngay để theo dõi vì có thể bị xuất huyết ồ ạt, sốc và suy đa cơ quan. Biến chứng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, lúc này người bệnh hạ sốt đáng kể so với ngày đầu tiên.
Giai đoạn nguy hiểm bắt đầu là khi thấy sau sốt bị nổi mẩn đỏ, đó là dấu hiệu xuất huyết. Diễn tiến xấu xảy ra rất nhanh, do đó không ít trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu khỏe và hạ sốt nhưng cuối cùng lại trở nặng hơn. Do đó ngay từ đầu khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ cho đến khi hoàn toàn khỏi hẳn.