Sốt siêu vi, tưởng chỉ là bệnh thông thường thế nhưng có thể diễn tiến khó lường và thậm chí thành sốt cao trên 39 độ. Dưới đây là một số cách nhận biết sốt siêu vi ở trẻ cũng như cách xử lý khi trẻ sốt cao.
Sốt siêu vi – Không nên chủ quan
Các bác sĩ cho biết trẻ bị sốt siêu vi cũng có thể chuyển biến thành sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, cảm cúm hay sốt phát ban. Có một số trường hợp dẫn đến bệnh tay chân miệng.
Khi trẻ bị sốt do siêu vi, thân nhiệt thường trong ngưỡng 38-39°C, thậm chí có thể lên tới 40-41°C. Nếu giảm sốt trẻ sẽ bớt mệt mỏi lờ đờ, ăn ngủ chơi bình thường. Trẻ dưới 5 tuổi, nếu sốt cao không hạ có thể dẫn đến co giật, tăng tiết đàm nhớt làm suy hô hấp, thiếu ôxy não rất nguy hiểm.
Đau nhức là dấu hiệu rõ ràng khi bị sốt siêu vi. Cơn đau này làm trẻ không muốn vận động, cả người ê ẩm, ở trẻ nhỏ thường xuyên quấy khóc.
Khi bị sốt, trẻ có thể có dấu hiệu viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ…
Khi trẻ bị sốt do siêu vi xâm nhập đường tiêu hóa (sốt tiêu chảy), có đặc điểm là đi ngoài phân lỏng, không có máu, có lẫn chất nhày.
Nổi hạch. Trẻ có thể bị sưng hạch ở vùng đầu, mặt, cổ sau tai, gáy. Những hạch này thường có kích thước nhỏ, ấn vào không đau. Tuy nhiên khi thấy trẻ bị sưng hạch ngay trước tai rất có thể mắc bệnh quai bị.
Sốt siêu vi có thể gây phát ban đỏ. Những đốm nhỏ màu đỏ nổi ở mặt, chân tay hay toàn thân. Phát ban có sau 2-3 ngày kể từ khi sốt, đây là dấu hiệu cho thấy cơn sốt của trẻ đã giảm và có dấu hiệu sắp hết sốt.
Mắt trẻ bị đỏ, đóng ghèn khóe mắt, chảy nước mắt. Trẻ bị đỏ mắt cùng với phát ban thì rất có thể là trẻ bị ban sởi.
Trẻ sốt cao 39,5 độ nhiều ngày có thể gặp các biến chứng nặng như viêm phổi gây suy hô hấp hay viêm não, lồng ruột… Tuy hiếm gặp nhưng bố mẹ không nên chủ quan mà chậm trễ trong việc hạ sốt cho trẻ.
Trẻ sốt co giật thì làm gì?
Cho trẻ nằm nghiêng qua 1 bên nhằm đưa đàm nhớt ra ngoài dễ hơn, hạn chế vào phổi.
Sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt chống viêm dạng nhét hậu môn.
Lau mát cho trẻ thường xuyên.
Đưa trẻ đi khám ngay sau khi hết cơn co giật, không nên tiếp tục để ở nhà điều trị.